Đau vùng thượng vị về đêm khiến người bệnh mất ăn, mất ngủ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống. Đau thượng vị về đêm có thể do rối loạn tiêu hóa nhẹ. Tuy nhiên, nếu triệu chứng này lặp đi lặp lại, có thể bạn đang mắc phải một trong số những căn bệnh sau.
Bệnh lý về đại tràng
Cơn đau thượng vị về đêm có thể là dấu hiệu của bệnh lý liên quan đến đại tràng như: viêm loét đại tràng cấp và mãn tính, polyp đại tràng. Ngoài cơn đau thượng vị thì bệnh này còn kèm theo triệu chứng như chướng bụng, tiêu chảy hoặc táo bón, sụt giảm cân nhanh.
Tắc mật, sỏi mật
Bệnh lý đường mật có thể gây nên cơn đau thượng vị về đêm, đau do tắc mật, sỏi mật thường xảy ra ở hạ sườn và cơn đau có thể dữ dội hoặc đau lan ra sau lưng hay lên vai, cơn đau dữ dội có thể khiến mặt mày tái mét. Ngoài ra, người bệnh tắc mật, sỏi mật còn thường có số biểu hiện khác như: vàng da, nổi mề đay, mẩn ngứa, nước tiểu màu vàng đậm…
Bệnh lý về gan
Các bệnh lý xảy ra ở gan như viêm gan, u gan, áp xe gan thường gây nên những cơn đau vùng thượng vị. Triệu chứng đau thường diễn ra dữ dội theo từng cơn. Đau thượng vị do mắc các bệnh lý về gan thường kèm theo một số dấu hiệu khác như mụn nhọt, vàng da, vàng mắt hoặc cũng có thể gặp phải chứng rối loạn tiêu hóa.
Nhiễm giun sán
Nhiễm giun sán hay ký sinh trùng cũng là lý do khiến bạn cảm thấy đau vùng thượng vị về đêm. Bởi thời gian về đêm chính là thời gian kí sinh trùng, giun sán hoạt động mạnh nhất gây ra những cơn đau vùng thượng vị khó chịu.
Bệnh lý về dạ dày
Trào ngược dịch vị dạ dày: một số lý do như tình trạng căng thẳng, stress hoặc chế độ ăn uống không hợp lý (ăn nhiều, ăn các loại thực phẩm có nhiều chất béo, cay, chiên, uống nhiều rượu, bia quá mức) khiến cho dạ dày tăng tiết dịch vị dẫn đến tình trạng dư thừa acid và đầy hơi trong dạ dày. Đến một mức độ nào đó tình trạng đầy hơi, thừa acid sẽ kích hoạt van tâm vị mở ra để giải phóng hơi và acid trong dạ dày. Đau tức thượng vị về đêm cũng là một trong số những triệu chứng điển hình của chứng trào ngược dịch vị dạ dày.
Đau thượng vị do trào ngược dịch vị dạ dày thường kèm theo ợ chua, ợ nóng…
Viêm loét dạ dày tá tràng: Viêm loét dạ dày – tá tràng là bệnh gây tổn thương viêm và loét trên niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng (phần đầu của ruột non). Những tổn thương này xảy ra khi lớp niêm mạc của dạ dày hay tá tràng bị bào mòn và các lớp bên dưới thành dạ dày hay thành ruột sẽ bị lộ ra.
Đau thượng vị là một trong các dấu hiệu chính của bệnh viêm loét dạ dày. Nếu loét tá tràng thì cơn đau thường sẽ xuất hiện vào lúc đói hoặc là lúc sau ăn khoảng 2 – 3 tiếng, có thể đau vào lúc nửa đêm về sáng, lan ra sau lưng.
Khi bị đau thượng vị nên ăn những món ăn dễ tiêu hóa như: cháo, canh, súp và rau củ quả, cũng cần uống nhiều nước và ăn những thực phẩm có tính mát, tuyệt đối không ăn đồ cay nóng và những đồ nhiều dầu mỡ hay không uống rượu bia.
Nếu tình trạng đau vùng thượng vị kéo dài quá 1 tuần thì nên tới bệnh viện để kiểm tình trạng bệnh lý.