Dược sĩ Dung Lê 21/09/2021
4.3/5 - (6 bình chọn)

Nóng rát cổ họng là triệu chứng thường gặp khi bạn bị cảm cúm, viêm họng, viêm amidan, nó thường kéo dài khoảng vài ngày đến một tuần. Tuy nhiên nếu bạn bị nóng rát cổ họng liên tục khoảng vài tuần hay vài tháng thì bạn nên đi khám bác sĩ ngay, vì đó có thể là dấu hiệu của nhiều tình trạng bệnh lý nghiêm trọng, trong đó có ung thư. Mời bạn tham khảo bài viết dưới đây của các chuyên gia ANVY để có cái nhìn chính xác hơn về triệu chứng nóng rát cổ họng.

Các nguyên nhân gây ra nóng rát cổ họng

Trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

GERD xảy ra khi cơ vòng ở đáy thực quản của bạn dãn mở quá mức hoặc đóng mở thất thường ngay sau khi bạn nuốt dẫn đến tình trạng acid clohydric (HCl) trào ngược từ dạ dày lên thực quản. Đây là một loại acid khá mạnh nên sẽ khiến cho bạn cảm thấy nóng rát, khó chịu ở cổ họng và ngực. 

Để phân biệt trào ngược dạ dày thực quản với các bệnh lý khác thì ngoài triệu chứng cổ họng, bệnh còn có một số các triệu chứng khác như:

  • Buồn nôn
  • Hơi thở hôi
  • Tức ngực
  • Khó nuốt
  • Vị chua ở cổ họng
  • Ho mãn tính

Các triệu chứng này sẽ trở nên khó chịu hơn khi bạn ăn quá no hoặc khi bạn nằm ngủ vào ban đêm.

Viêm amidan

Amidan là hai hạch bạch huyết nằm ở hai bên phía sau cổ họng, chúng giúp bảo vệ cơ thể bạn khỏi virus và vi khuẩn.

Khi bạn bị nhiễm trùng amidan (hay còn gọi là viêm amidan) sẽ khiến amidan sưng tấy, xuất hiện cảm giác đau rát ở cổ họng kèm theo một số biểu hiện như:

  • Sốt, mệt mỏi
  • Xuất hiện một lớp phủ màu trắng hoặc vàng trên amidan
  • Đau tai
  • Đau đầu
  • Sưng hạch ở cổ hoặc hàm
  • Khó nuốt

Viêm amidan rất dễ chẩn đoán. Các triệu chứng thường biến mất trong vòng 7 đến 10 ngày.

Áp xe quanh amidan

Áp xe quanh amidan thường là biến chứng của bệnh viêm amidan, khi tình trạng viêm lan sang các vùng xung quanh không được điều trị dứt điểm sẽ gây nên áp xe, mủ sẽ đọng lại ở thành họng. Nếu không điều trị sớm amidan sẽ sưng to và bị đẩy vào giữa cổ họng, cản trở việc thở và nuốt của bạn.

Một số triệu chứng khác của áp xe quanh amidan là:

  • Khó nuốt nước bọt 
  • Khó há miệng rộng
  • Sưng hạch ở cổ 
  • Sốt
  • Đau đầu
  • Sưng mặt hoặc cổ
  • Giọng nói bị bóp nghẹt
  • Hơi thở hôi

Viêm thực quản

Thực quản là ống dẫn thức ăn từ miệng đến dạ dày của bạn.

Viêm thực quản là tình trạng viêm hoặc kích ứng của thực quản. Các nguyên nhân phổ biến gây ra viêm thực quản đó là: trào ngược acid dạ dày, tác dụng phụ của một số thuốc hoặc do nhiễm virus, vi khuẩn.

Khi bị viêm thực quản, ngoài nóng rát cổ họng bạn sẽ có một số triệu chứng chính là:

  • Khó nuốt
  • Đau họng
  • Ợ nóng
  • Đau bụng vùng thượng vị

Viêm thực quản nếu không được điều trị có thể dẫn đến loét, sẹo và hẹp thực quản nghiêm trọng.

Viêm họng hạt

Viêm họng hạt là tình trạng nhiễm trùng cổ họng, phần lớn là do vi khuẩn gây ra. Bệnh có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn, tuy nhiên nó thường phổ biến ở trẻ trong độ tuổi từ 5 – 15.

Mức độ nghiêm trọng của viêm họng hạt có thể khác nhau ở mỗi người. Thông thường mọi người sẽ gặp triệu chứng nhẹ như đau họng. Một số khác có các triệu chứng nghiêm trọng hơn, bao gồm sốt và khó nuốt.

Các triệu chứng phổ biến của viêm họng hạt bao gồm:

  • Sốt đột ngột, nhiệt độ từ 38˚C trở lên
  • Đau họng với các mảng trắng quanh họng
  • Đau đầu
  • Ớn lạnh
  • Mất cảm giác ngon miệng
  • Sưng hạch bạch huyết ở cổ
  • Khó nuốt

Những triệu chứng này thường phát triển trong vòng năm ngày kể từ khi tiếp xúc với vi khuẩn.

Cảm lạnh thông thường

Một nguyên nhân phổ biến gây nóng rát cổ họng mà mọi thường gặp đó là cảm lạnh. Bệnh làm ảnh hưởng đến hệ thống hô hấp, gây đau họng và kèm theo một số triệu chứng như:

  • Sổ mũi
  • Nghẹt mũi
  • Hắt xì
  • Ho khan
  • Nhức mỏi cơ thể
  • Đau đầu
  • Sốt nhẹ

Cảm lạnh không quá nguy hiểm, các triệu chứng thường sẽ hết sau khoảng một tuần đến 10 ngày.

Bệnh cúm

Do có các triệu chứng khá giống nhau nên mọi người thường nhầm lẫm giữa cảm lạnh thông thường và cúm, tuy nhiên các triệu chứng của bệnh cúm thường nặng hơn và có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Ngoài ra, các triệu chứng của cảm lạnh thường xuất hiện từ từ còn các triệu chứng cúm thì bắt đầu đột ngột và có xu hướng dữ dội hơn.

Một số triệu chứng thường gặp ở bệnh cúm mà cảm lạnh thông thường ít gặp đó là:

  • Sốt (37,8° C trở lên) kéo dài 3-4 ngày
  • Đau cơ, đặc biệt là ở phần lưng dưới
  • Ớn lạnh
  • Buồn nôn, tiêu chảy

Để biết chắc chắn liệu bạn bị cảm lạnh hay cúm thì bạn có thể làm xét nghiệm chẩn đoán đặc biệt trong vòng vài ngày kể từ khi các triệu chứng bắt đầu.

Chảy dịch mũi sau

Bình thường các tuyến trong mũi và cổ họng của bạn liên tục sản xuất chất nhầy để:

  • Chống lại nhiễm trùng
  • Làm ẩm màng mũi
  • Lọc ra các vật chất lạ

Tuy nhiên khi cơ thể bạn sản xuất quá nhiều chất nhầy (thường do dị ứng), bạn sẽ cảm thấy chất nhầy tích tụ lại và chảy từ mũi xuống cổ họng. Điều này được gọi là chảy dịch mũi sau.

Chất nhầy nhỏ giọt liên tục sẽ gây kích ứng phía sau cổ họng của bạn, khiến amidan bị sưng tấy và có cảm giác đau, nóng rát ở cổ họng.

 Chảy dịch mũi sau cũng gây ra các triệu chứng:

  • Cảm thấy nhột trong cổ họng khiến bạn liên tục phải hắng giọng hoặc nuốt.
  • Ho nặng hơn vào ban đêm
  • Cảm giác buồn nôn do chất nhầy dư thừa di chuyển vào dạ dày
  • Đau, ngứa cổ họng
  • Hơi thở hôi.

Tăng bạch cầu đơn nhân

Tăng bạch cầu đơn nhân là một bệnh truyền nhiễm do virus Epstein-Barr (EBV) gây ra, thường gặp ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Virus gây bệnh rất dễ lây qua nước bọt nên đôi khi bệnh còn được gọi là “bệnh hôn”.

Các triệu chứng của bệnh thường phát triển sau 4–6 tuần sau khi tiếp xúc với virus.

Đau rát cổ họng là triệu chứng ban đầu của bệnh tăng bạch cầu đơn nhân.

Các triệu chứng khác bao gồm:

  • Cơ thể mệt mỏi
  • Sốt
  • Đau cơ bắp
  • Đau đầu
  • Phát ban
  • Sưng hạch ở cổ và nách

Triệu chứng đau họng và sốt, thường giảm sau 1 hoặc 2 tuần còn các triệu chứng khác như sưng hạch bạch huyết, mệt mỏi và lá lách to có thể kéo dài thêm vài tuần.

Hội chứng miệng bỏng

Hội chứng miệng bỏng là tình trạng đau, nóng rát, ngứa ran trong và xung quanh miệng. Cơn đau rát có thể lan xuống cổ họng, toàn bộ miệng, bao gồm má, môi, lưỡi và vòm miệng. Ngoài ra, bạn cũng có thể xuất hiện một số triệu chứng khác như:

  • Thay đổi vị giác trong miệng, chẳng hạn như vị đắng hoặc vị kim loại
  • Mất vị giác
  • Cảm giác khô miệng và khát nước

Hội chứng miệng bỏng thường xuất hiện đột ngột, nhưng nó cũng có thể phát triển dần dần theo thời gian. Bệnh có thể kéo dài hàng tháng đến hàng năm. 

Nguyên nhân gây ra có thể là do vấn đề về dây thần kinh hoặc do một số bệnh lý như: rối loạn nội tiết, dị ứng, khô miệng, thiếu hụt dinh dưỡng.

Nóng rát cổ họng có phải dấu hiệu của ung thư không?

Nóng rát cổ họng thường không quá nguy hiểm, tuy nhiên nếu tình trạng này kéo dài không hết, kèm theo một số triệu chứng dưới đây thì rất có thể đó là dấu hiệu của ung thư thực quản hoặc ung thư vòm họng:

  • Khó nuốt, cảm thấy nghẹn ở cổ họng
  • Ho kéo dài, ho ra máu
  • Ợ chua liên tục
  • Tức ngực
  • Sút cân nghiêm trọng không rõ nguyên nhân
  • Nôn mửa
  • Khàn giọng, thay đổi giọng nói

Nếu bạn có những biểu hiện này thì nên đi khám sức khỏe sớm để tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh và có phương pháp điều trị kịp thời.

Cách chữa nóng rát cổ họng tại nhà

Khi bị nóng rát cổ họng bạn có thể áp dụng một số cách sau để giảm đau và giảm khó chịu tại nhà:

  • Uống nhiều nước: việc giữ đủ nước là rất quan trọng để hồi phục cơ thể sau cảm lạnh hoặc cúm. Nước cũng giúp cơ thể hoạt động tốt và chống lại virus, giúp cổ họng không bị khô và giảm kích ứng.
  • Sử dụng máy tạo ẩm phun sương để bổ sung độ ẩm cho không khí, giúp cổ họng của bạn không bị khô.
  • Nghỉ ngơi tại nhà để hồi phục cơ thể.
  • Súc miệng bằng nước muối.
  • Bạn cũng có thể sử dụng một số loại thuốc giảm đau không kê đơn như: acetaminophen hoặc ibuprofen để giảm đau.

Nóng cổ họng nên ăn gì?

Khi bị nóng rát cổ họng, bạn nên ăn thực phẩm có lợi cho dạ dày để hạn chế sự kích ứng dẫn đến ợ hơi, ợ nóng.

  • Bổ sung các loại hoa quả, rau củ ít chua như: dưa, chuối, táo, lê,… và rau xanh như: rau cải, rau chân vịt, rau ngót, mồng tơi, rau rền,…
  • Ăn các loại thịt nạc được nướng, hấp, luộc (hạn chế gia vị cay nóng)
  • Những thực phẩm chứa carbohydrate lành mạnh như: bột yến mạch, bánh mì ngũ cốc nguyên hạt
  • Hạn chế ăn các thức ăn cay nóng nhiều dầu mỡ, không sử dụng rượu bia, chất kích thích,..

Khi nào bạn cần đi khám bác sĩ?

Thông thường, triệu chứng nóng rát cổ họng sẽ hết sau khoảng vài ngày đến hơn 1 tuần. Nếu nó kéo dài hơn 2 tuần thì bạn nên đến gặp bác sĩ để có phương pháp điều trị hiệu quả nhất. Đặc biệt là đối tượng như: người già trên 65 tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người bị suy giảm miễn dịch cần phải đi khám sớm để tránh những biến chứng nguy hiểm.

Bạn cũng nên đến gặp bác sĩ nếu bị nóng rát cổ họng kèm theo một số triệu chứng dưới đây:

  • Sốt cao từ 38° C trở lên
  • Ho ra máu, đờm có máu
  • Khó nuốt hoặc khó mở to miệng
  • Khó thở
  • Mủ trên amidan
  • Phát ban
  • Có u trong cổ của bạn
  • Khàn giọng kéo dài hơn hai tuần

Trên đây là một số thông tin cơ bản về triệu chứng nóng rát cổ họng. Hy vọng những kiến thức trong bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về tình trạng bệnh của mình. Nếu còn thắc mắc về vấn đề gì bạn có thể liên hệ qua số hotline miễn cước 1800 234 558 để nhận được sự tư vấn của các chuyên gia từ ANVY.

Bộ đôi hỗn dịch Anvitra

Dành cho người bị trào ngược dạ dày thực quản

Sản phẩm vàng vì sức khỏe cộng đồng 2021 

Xem thông tin chi tiết Tại đây

Đăng ký tư vấn
Đăng ký
Share
Dược sĩ Dung Lê

Đại học Dược Hà Nội
Kinh nghiệm 5 năm trong lĩnh vực tư vấn bệnh lí đường tiêu hóa, sở hữu kiến thức chuyên sâu từ các chuyên gia đầu...