Dược sĩ Dung Lê 15/10/2021
3/5 - (2 bình chọn)

Khi bị ho kéo dài bạn thường hay nghĩ đến các nguyên nhân tại đường hô hấp như cảm cúm hay viêm họng. Tuy nhiên, nếu tình trạng ho của bạn có kèm theo một số triệu chứng khác như ợ hơi, ợ chua, nóng rát thượng vị thì rất có thể bạn bị ho do trào ngược dạ dày. Nếu không nhanh chóng phát hiện và điều trị kịp thời có thể sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

Phân biệt ho do trào ngược dạ dày và ho thông thường

Có rất nhiều người nhầm lẫn giữa các biểu hiện của ho do trào ngược dạ dày và ho thông thường bởi chúng khá giống nhau. Tuy nhiên, nếu tinh ý một chút, bạn có thể dễ dàng phân biệt được hai triệu chứng ho này.

Triệu chứng, biểu hiện của ho do trào ngược dạ dày

Theo Susan M. Harding, một số triệu chứng phổ biến ở ho do trào ngược dạ dày mà bạn có thể thấy được bao gồm:

  • Ho kéo dài (thường trên 4 tuần), thường xuất hiện chủ yếu vào ban đêm.
  • Triệu chứng ho tăng lên khi bạn nằm. Điều này xảy ra là do khi bạn nằm xuống dịch vị dạ dày sẽ trào lên thực quản làm tình trạng ho trở lên nặng hơn.
  • Ho không kèm theo chảy nước mũi hay hen suyễn.
  • Khi bị ho do trào ngược dạ dày bạn sẽ xuất hiện một số triệu chứng điển hình của bệnh trào ngược dạ dày thực quản như: ợ hơi, ợ chua, nóng rát từ thượng vị sau đó lan lên cổ.
  • Dịch vị trào lên thực quản còn có thể khiến hơi thở có mùi hôi đi kèm với ho.
  • Bạn đã chữa ho bằng các thuốc chữa ho do bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp gây ho mà mãi không thấy đỡ.

Ho thông thường

Tình trạng ho thông thường (ho do viêm tai mũi họng) thường có các biểu hiện sau:

  • Ho kèm theo khàn giọng, đau họng khó nuốt, có thể có đờm hoặc không có đờm.
  • Ho xuất hiện kể cả khi bạn đứng hay nằm.
  • Ho không kèm theo các triệu chứng như ợ hơi, ợ chua, nóng rát ngực, thực quản.
  • Bệnh nhân có thể gặp triệu chứng như đau đầu.
  • Bệnh nhân có thể có sốt hoặc không sốt.
  • Nếu nguyên nhân gây viêm có ảnh hưởng tới mũi bạn sẽ gặp một số triệu chứng của cảm như: nghẹt mũi, chảy nước mũi.
  • Các triệu chứng này sẽ đạt đỉnh điểm sau 2-3 ngày, tuy nhiên ho có thể kéo dài đến 4 ngày cho đến khi hết nhiễm trùng.

Tuy nhiên, để xác định rõ bạn có bị ho do trào ngược dạ dày hay không cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám hoặc liên hệ qua Hotline miễn cước 1800 234 558 để được tư vấn.

Nguyên nhân của việc ho khi trào ngược dạ dày

Để biết được nguyên nhân của việc ho do trào ngược dạ dày chúng ta hãy cùng tìm hiểu về cơ chế và các nhân tố gây ho khi trào ngược dạ dày:

Cơ chế gây ho khi trào ngược dạ dày

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Hoa Kỳ tại Thư viện y khoa Quốc gia Hoa Kỳ, ho do trào ngược dạ dày xảy ra do 2 cơ chế:

  • Cơ chế thứ nhất: cơ chế này được dựa trên lý thuyết phản xạ. Khi bạn bị trào ngược dạ dày acid dịch vị sẽ đi vào thực quản, khi đó sẽ dẫn đến phản ứng ho. Ho được coi như một phản xạ của thực quản – khí quản do các dây thần kinh ở thực quản gây ra nhằm bảo vệ đường thở.
  • Cơ chế thứ 2: cơ chế thứ hai được dựa trên lý thuyết trào ngược. Theo cơ chế này, dịch vị trào lên thực quản và cơ thắt thực quản trên, làm cho các hạt acid nhỏ sẽ rơi xuống thanh quản hay xâm nhập vào phế quản sẽ trực tiếp gây ho như một cơ chế bảo vệ chống lại trào ngược.

Các nhân tố gây ho khi bị trào ngược dạ dày

Ho xảy ra trên người bị trào ngược dạ dày khi acid trào ngược lên thực quản rồi lên hầu họng vào đường thở gây ra tổn thương niêm mạc đường thở. Các nhân tố làm tăng nguy cơ trào ngược dạ dày cũng sẽ là các nhân tố gây ho, trong đó phải kể đến các nhân tố chính sau:

  • Do bệnh lý viêm loét dạ dày – tá tràng: những người bị viêm loét dày có hệ tiêu hóa hoạt động kém hiệu quả. Do đó, thức ăn trong dạ dày sẽ bị tiêu hóa chậm gây sinh hơi, đồng thời dạ dày tiết nhiều acid kích thích trào ngược, làm tổn thương niêm mạc hầu họng và đường hô hấp gây ho kéo dài.
  • Do bẩm sinh: người bệnh có chức năng cơ thắt thực quản dưới kém hay bị sa dạ dày, thoát vị cơ hoành dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản gây ra tình trạng ho.
  • Do căng thẳng: khi bạn thường xuyên ở trong trạng thái căng thẳng, stress, cơ thể sẽ tiết ra một lượng lớn cortisol. Điều này làm tăng nồng độ acid dạ dày, kích thích dịch vị trào ngược lên thực quản gây ho.
  • Do chế độ ăn uống không khoa học: bạn có thói quen ăn quá no, ăn nhanh, bỏ bữa, vận động mạnh hay nằm ngay sau khi vừa ăn xong, thói quen sử dụng các chất kích thích, rượu, bia… sẽ làm cho hệ tiêu hóa bị rối loạn và dần dần dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản dẫn đến bị ho.
  • Do thừa cân: khi bạn trong tình trạng thừa cân, trọng lượng cơ thể sẽ tạo áp lực cho cơ thắt thực quản dưới dãn nở. Điều này tạo điều kiện cho trào ngược acid dịch vị làm bạn bị ho.

Trào ngược dạ dày gây ho có nguy hiểm không?

Trào ngược dạ dày gây ho nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Theo nghiên cứu của các chuyên gia Hoa Kỳ, biến chứng của ho do trào ngược dạ dày gồm:

Đau họng

Biến chứng này rất hay xảy ra khi bạn bị trào ngược dạ dày thực quản. Acid dịch vị sẽ trào lên, gây viêm và đau thực quản. Đặc biệt, dịch vị dạ dày trào lên còn làm hỏng niêm mạc của thanh quản chính vì vậy dẫn đến đau họng.

Hen suyễn

Các nhà nghiên cứu đã không tìm ra chi tiết về mối quan hệ giữa GERD và bệnh hen suyễn. Tuy nhiên, phòng khám Cleveland nói rằng hơn 75% những người bị hen suyễn cũng bị GERD và chứng ợ nóng kèm theo nó. Bên cạnh đó, thực tế có một số bệnh nhân ban đầu được chẩn đoán hen nhưng điều trị theo hướng hen không thuyên giảm. Sau khi được điều trị trào ngược dạ dày lại hết các triệu chứng hen (vì có biểu hiện trào ngược dạ dày). Đây có thể là do trào ngược dạ dày gây viêm phế quản thể hen trên cơ địa dị ứng

Trên thực tế, các loại thuốc điều trị hen suyễn có thể làm cho GERD trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, điều trị GERD thường xuyên sẽ làm giảm bớt các triệu chứng hen suyễn.

Ung thư vòm họng

Có thể giải thích rằng: khi acid trong dịch dạ dày liên tục trào lên, kích thích lớp niêm mạc hầu họng gây tổn thương, lâu dần sẽ gây biến đổi cấu trúc các tế bào niêm mạc đường hô hấp. Điều này tạo điều kiện cho ung thư vùng hầu họng phát triển.

Thông thường, khi bị ung thư vòm họng trong giai đoạn đầu thường rất khó phát hiện bởi nó không có biểu hiện rõ ràng. Do đó, khi bị ho do trào ngược dạ dày bạn nên đến gặp các bác sĩ để được điều trị kịp thời, tránh biến chứng xảy ra.

Có thể chữa ho do trào ngược dạ dày bằng các cách tự nhiên hay không?

Nếu tình trạng ho do trào ngược của bạn ở mức độ nhẹ đến trung bình có thể áp dụng một số biện pháp tự nhiên tại nhà để làm giảm các triệu chứng của bệnh. Những biện pháp này chia ra làm 2 loại là kiểm soát bệnh lý trào ngược dạ dày để chữa ho và kiểm soát trực tiếp triệu chứng ho và các tổn thương đường hô hấp. 

Thay đổi lối sống để kiểm soát bệnh trào ngược dạ dày

  • Duy trì mức cân nặng hợp lý: trào ngược dạ dày có khả năng phát triển nhiều ở những người thừa cân, béo phì.
  • Từ bỏ thói quen nằm ngay sau khi ăn xong. Bạn nên nằm xuống sau ăn ít nhất 2 giờ. Bên cạnh đó, bạn nên chú ý không ăn các bữa gần với giờ đi ngủ.
  • Không ăn quá nhanh hay ăn quá no.
  • Nâng cao đầu giường khoảng 15cm sẽ giúp bạn cải thiện đáng kể tình trạng ho do trào ngược dạ dày. Điều này không đồng nghĩa với việc bạn sử dụng nhiều gối cao bởi việc này có thể làm bạn bị đau cổ, vai gáy.
  • Nói không với thuốc lá. Bởi thuốc lá ảnh hưởng rất lớn đến chức năng của cơ thắt thực quản dưới.
  • Không mặc quần áo quá bó sát.

Thay đổi chế độ ăn uống kiểm soát trào ngược

Thay đổi chế độ ăn uống cũng góp phần đáng kể vào việc làm giảm tình trạng trào ngược dạ dày, từ đó giúp giảm ho do trào ngược dạ dày. Bạn nên tránh các loại đồ ăn, đồ uống sau:

  • Các chất kích thích: cafe…
  • Đồ uống có cồn: rượu, bia…
  • Đồ uống có ga
  • Đồ ăn có nhiều dầu mỡ, đồ chiên
  • Đồ ăn chua, cay
  • Socola

>>> Tham khảo cách thay đổi thói quen ăn uống và chế độ sinh hoạt Tại đây

Các mẹo chữa ho do trào ngược dạ dày

Để giảm các triệu chứng ho, vướng víu, khó chịu ở cổ của ho do trào ngược dạ dày bạn có thể áp dụng một số mẹo sau:

Sử dụng trà gừng

Trà gừng được sử dụng để giảm ho, tiêu đờm do trong gừng có chứa thành phần gingerol – một chất có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn. Bạn chỉ cần lấy vài lát gừng giã nát sau đó đun sôi với một ít nước và sử dụng khi còn ấm. Ngoài ra gừng cũng giúp làm giảm bệnh trào ngược dạ dày thực quản. 

>>> Tham khảo thêm các cách sử dụng gừng làm giảm triệu chứng trào ngược dạ dày Tại đây

Sử dụng nước muối ấm

Súc miệng bằng nước muối ấm khoảng 2-3 lần trong ngày sẽ giúp sát khuẩn hầu họng làm giảm các cơn ho. Bên cạnh việc súc họng bằng nước muối ấm thì việc uống vài ngụm nước muối ấm cũng giúp làm hòa loãng nồng độ acid dạ dày tức thì.

Sử dụng lá hẹ hấp mật ong

Thành phần saponin trong lá hẹ có tác dụng làm giảm ho, long đờm. Mẹo chữa ho do trào ngược này cũng thực hiện rất đơn giản. Bạn cắt lá hẹ thành những đoạn dài khoảng 2-3 cm cho thêm một ít mật ong, hấp cách thủy khoảng 10 phút và sử dụng khi còn ấm. Mỗi ngày ăn 1-2 lần bạn sẽ thấy hiệu quả rõ rệt.

3 nhóm thuốc điều trị giảm ho do trào ngược

Các biện pháp tự nhiên tại nhà chỉ góp phần làm giảm triệu chứng của ho do trào ngược dạ dày. Do đó, nếu bạn gặp tình trạng này kéo dài và áp dụng các biện pháp trên nhưng không khỏi, bạn cần đến gặp bác sĩ để được chỉ định phác đồ điều trị phù hợp. Các nhóm thuốc được sử dụng điều trị ho do trào ngược dạ dày bao gồm các nhóm sau:

Các loại thuốc tây y chữa trào ngược dạ dày 

Nhóm này có tác dụng trung hòa acid dạ dày, giúp tăng pH dạ dày, giảm tình trạng kích thích gây trào ngược dạ dày.

Nhóm này gồm: muối nhôm, muối magnesi (Hafenthyl, Bismuth subcitrat…)

Nhóm thuốc này có tác dụng kháng Histamin H2 làm giảm tiết acid dịch vị tối đa trong 12h.

Nhóm này bao gồm: ranitidin cimetidin, famotidin… 

Nhóm thuốc này mạnh hơn nhóm kháng histamin H2, hoạt động bằng cách ngăn cản tiết acid dịch vị trong thời gian dài.

Nhóm này bao gồm các thuốc: omeprazole, esomeprazole, rabeprazole…

 

Chữa trào ngược dạ dày bằng thảo dược

Việc điều trị trào ngược dạ dày bằng các thuốc Tây y trong một thời gian dài sẽ gây ra một số tác dụng phụ. Do đó, hiện nay người bệnh thường ưa chuộng sử dụng các thuốc có nguồn gốc thảo dược để điều trị trào ngược dạ dày thực quản. Mặc dù các bài thuốc từ thảo dược có hiệu quả chậm và phải sử dụng lâu dài nhưng nó giải quyết được cả nguyên nhân và triệu chứng của bệnh. 

Theo Y học Cổ truyền, một số thảo dược được sử dụng trong các bài thuốc điều trị GERD gồm: Chi tử, Cam thảo, Hoài sơn, Bạch thược, Trần bì, Bạch truật, Liên nhục, Tía tô, Sinh khung. Hoàng kỳ, Hậu phác, Mạch môn…. Để hiểu rõ hơn về tác dụng của từng vị thảo dược bạn có thể tham khảo thêm Tại đây

Rất nhiều các sản phẩm thực phẩm chức năng được xây dựng công thức từ các vị thảo dược đã được chứng minh công dụng chữa trào ngược dạ dày trên, kết hơp sử dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất giúp người bệnh có thêm nhiều lựa chọn an toàn khi điều trị bệnh. Hỗn dịch trào ngược dạ dày ANVITRA là một ví dụ. Đây là sản phẩm được các khách hàng đánh giá cao trong điều trị trào ngược dạ dày.  

Kết hợp sử dụng các thuốc giảm ho tiêu đờm để giúp giảm ho

Ngoài các thuốc kiểm soát bệnh trào ngược dạ dày ra, việc sử dụng kết hợp thêm các thuốc giảm ho, tiêu đờm giúp cho bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn. Có thể kể đến các nhóm thuốc sau:

Thuốc tân dược có các thuốc ức chế các cơn ho: Codein, Dextromethorphan…. Hay thuốc long đờm, loãng đờm: Ambroxol, acetylcystein, bromhexin…

Thuốc thảo dược: Prospan, thuốc ho Bảo Thanh, thuốc ho Cao lá Thường Xuân…

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Ho do trào ngược dạ dày tưởng chừng không nguy hiểm nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Do đó, bạn nên đến gặp trực tiếp bác sĩ khi có các dấu hiệu sau:

  • Tình trạng ho của bạn kéo dài trên 3 tuần và không hề có biến chuyển sau khi bạn áp dụng các biện pháp thông dụng chữa tại nhà.
  • Mức độ ho trở nên dữ dội hoặc tồi tệ hơn. Đặc biệt, ho kèm theo máu, đau ngực, khó thở…
  • Ho kèm theo các triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản: ợ hơi, ợ chua, nôn trớ, nóng rát ngực, thượng vị…

Thực đơn khoa học dành riêng cho bệnh nhân trào ngược dạ dày

Chế độ ăn uống góp phần cải thiện tình trạng trào ngược dạ dày. Chính vì vậy, người bệnh phải lựa chọn cho mình một chế độ ăn khoa học. Dưới đây là thực đơn khoa học cho người bị trào ngược dạ dày mà bạn có thể tham khảo:

  • Rau củ: để an toàn cho người trào ngược dạ dày nên sử dụng rau củ dưới dạng luộc, hấp. Bạn nên tránh ăn rau sống, rau xào nhiều mỡ, cà chua, hành tây, dưa chua, nước ép rau củ sống.
  • Hoa quả: nên sử dụng trái cây hoặc nước ép trái cây như nho, táo, việt quất, chuối... Không sử dụng các hoa quả có múi như: cam, quýt, bưởi...
  • Chất béo: sử dụng các thực phẩm ít chất béo như dầu thực vật, bơ thực vật, nhưng chú ý cần sử dụng với lượng nhỏ.
  • Sữa và các sản phẩm từ sữa: dùng sữa không béo, ít béo, bơ sữa ít béo, sữa chua ít béo hoặc không béo, sữa đậu nành.
  • Bánh mì và ngũ cốc: sử dụng bánh mì có ít hoặc không có ngũ cốc nguyên chất, bánh quế, bánh cuộn, bánh quy giòn không làm bằng sữa hoặc kem.
  • Các loại thịt: sử dụng các loại thịt ít béo, loại bỏ phần mỡ trước khi sử dụng, với thịt da cầm loại bỏ da. Chế biến bằng cách luộc hoặc nướng không cho dầu mỡ.
  • Bánh tráng miệng: bánh ít béo, gelatin, kem giảm béo, bánh pudding không béo.
  • Đồ uống: trà đã loại cafein, nước uống thảo mộc không chứa bạc hà, nước ép trái cây (trừ trái cây có múi).
  • Gia vị: muối, đường, rau thơm, gia vị thảo mộc. Tránh sử dụng ớt, giấm, chanh, nước sốt cà chua...

Hy vọng rằng bài viết này sẽ cung cấp những thông tin hữu ích cho bạn đọc về bệnh ho do trào ngược dạ dày. Nếu gặp bất kỳ dấu hiệu nào kể trên bạn hãy đến gặp trực tiếp bác sĩ để được thăm khám hoặc liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn miễn phí.

XEM THÊM:

Đăng ký tư vấn
Đăng ký
Share
Dược sĩ Dung Lê

Đại học Dược Hà Nội
Kinh nghiệm 5 năm trong lĩnh vực tư vấn bệnh lí đường tiêu hóa, sở hữu kiến thức chuyên sâu từ các chuyên gia đầu...