Trần bì nghe tên có vẻ xa lạ nhưng lại rất đỗi quen thuộc với chúng ta bởi nó chính là vỏ của quả quýt phơi khô. Chúng ta cứ nghĩ vỏ quýt không có công dụng gì nên thường vứt bỏ đi nhưng không ngờ rằng nó lại là vị thuốc quý trong y học cổ truyền. Nó là vị thuốc có tác dụng chữa viêm phế quản, trị ho có đờm, tiêu hóa kém, đặc biệt có tính kháng khuẩn cao, rất tốt cho người bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Trần bì là gì?
Trần bì còn có tên khác là thanh bì (làm từ vỏ quýt xanh), trần bì (vỏ quýt chín), quyết, quýt, hoàng quyết. Tên khoa học: Citrus reticulata Blanco.
Vỏ thường cuốn lại hoặc quăn, dày khoảng 0,1 – 0,15 cm. Mặt ngoài vỏ có màu nâu nhạt hoặc vàng nâu, có nhiều chấm sẫm hoặc lõm xuống. Mặt trong xốp có màu hồng nhạt hoặc trắng ngà. Vỏ giòn và nhẹ, có mùi thơm, vị cay.
Bộ phận dùng làm thuốc: Vỏ quả chín
Thành phần hóa học chính: Thành phần hóa học chính của trần bì thuộc các nhóm tinh dầu, flavonoid, alkaloid, acid hữu cơ.
+ Tinh dầu: Thành phần chủ yếu của tinh dầu trần bì là limonem, ngoài ra có các thành phần khác như linalool, α-pinene, β -pinene, α-thujene, α-terpineol, β-myrcene, citronellal.
+ Flavonoid: Bao gồm các nhóm:
- Flavone C – glycosides: Vicenin-2, lucenin-2, diosmetin-6,8-C-glucoside,….
- Flavone O-glycosides: Hesperidin, neohesperidin, poncirin, eriocitrin, narirutin, diosmin,…..
- Flavonoid aglycones: naringenin, hesperetin,….
- Polymethoxyflavone: isosinensetin, monohydroxy pentamethoxyflavone, sinensetin
+ Alkaloid: citrusin I, II, III; synephrine; N-methyl tyramine
+ Acid hữu cơ: Ferulic acid, E-p-hydroxycinnamic
Tác dụng dược lý của Trần bì liên quan đến đường tiêu hóa
+ Tác dụng chống loét dạ dày
Nghiên cứu trên chuột sử dụng mô hình thắt môn vị để đánh giá hiệu quả chống loét dạ dày của lycopene, hesperidin và hỗn hợp của chúng. Kết quả cho thấy, những con chuột được điều trị bằng lycopene và hesperidin cho thấy sự cải thiện đáng kể trong tình trạng loét so với nhóm chứng. Tuy nhiên, những con chuột được điều trị bằng kết hợp của lycopene và hesperidin cho thấy sự phục hồi đáng kể hơn của chức năng dạ dày so với các nhóm thí nghiệm khác. Việc hình thành các gốc tự do oxy hóa (ROS) là nguyên nhân chính của loét do stress. Lycopene và hesperidin là chất chống oxy hóa mạnh mẽ, làm sạch các ROS và ngăn chặn sự peroxy hóa lipid của màng do đó ngăn ngừa loét. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng lycopene (2 mg / kg) và hesperidin (100 mg / kg) làm giảm đáng kể sự tiết dịch dạ dày và tổng lượng acid cũng như tăng pH dạ dày do giúp điều chỉnh việc tiết acid dạ dày trở về bình thường.
Một nghiên cứu khác trên chuột được gây loét bằng ethanol cho kết quả dịch chiết nước từ vỏ quả citrus sinensis và flavonoid chính của nó, hesperidin đều có tác dụng bảo vệ chống loét dạ dày thông qua làm giảm biểu hiện COX-2 và giảm phân mảnh DNA dạ dày. Cả hai loại thuốc này đều làm giảm sản xuất TNF-α và làm tăng peroxid hóa lipid dạ dày. Do đó, cả dịch chiết vỏ quả citrus sinensis và hesperidin đều tác dụng chống viêm, chống oxy hóa và có thể được sử dụng trong các tình trạng viêm khác nhau để tránh nặng thêm vết loét.
+ Tác dụng hỗ trợ hoạt động tiêu hóa: Tác động kép đến nhu động đường tiêu hóa.
Các thí nghiệm chỉ ra rằng trần bì có tác dụng kép trong việc thúc đẩy nhu động đường tiêu hóa và ức chế co thắt cơ trơn ruột. Hành động hai chiều này có thể làm thay đổi chức năng đường tiêu hóa bằng cách ảnh hưởng đến sự bài tiết của các cơ quan tiêu hóa và tác động trực tiếp lên cơ trơn của ruột. Synephrine có thể thúc đẩy chuyển động đường tiêu hóa bằng cách tăng nồng độ acetylcholine và motilin và giảm nồng độ chất P (SP) và peptide đường ruột. Hesperidin có thể thúc đẩy sự di chuyển của đường tiêu hóa bằng cách tăng lượng gastrin và giảm mức độ acetylcholine, motilin, chất P và peptide đường ruột. Ngoài ra, chiết xuất ethyl acetate có chứa polymethoxy flavones cũng có tác dụng thúc đẩy nhu động đường tiêu hóa.
Hơn nữa, các đơn thuốc hợp chất thảo dược Trung Quốc có chứa trần bì có vai trò cường lách. Trần bì có thể cải thiện các triệu chứng biếng ăn ở trẻ em và tăng cường hoạt động amylase nước bọt của trẻ em và hàm lượng hemoglobin. Sản phẩm viên nén nhai CRP có tác dụng đáng kể trong việc cải thiện chức năng bài tiết, và cơ chế chính của nó là thúc đẩy bài tiết dịch tiêu hóa và enzyme. Có thể kết luận rằng CRP có thể được sử dụng như một thảo dược Trung Quốc dùng thường quy hàng ngày cho chứng chán ăn, chứng khó tiêu và các vấn đề khác liên quan đến tiêu hóa.
+ Tác dụng “Prokinetic”- Tăng cường trương lực cơ thắt dưới thực quản
Ở châu Á, vỏ các loại cam quýt đã được sử dụng trong các loại thuốc từ thảo dược truyền thống trong một thời gian dài. Đặc biệt, theo các nghiên cứu mới nhất, Trần bì được nghiên cứu tác dụng như một thuốc “Prokinetic”đối với các triệu chứng của bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản. Tác dụng theo cơ chế “Prokinetic” – làm tăng cường trương lực cơ thắt dưới thực quản (LES), chống đầy hơi và thèm ăn. Trong các nghiên cứu lâm sàng trước đây, nó cải thiện đáng kể sự thèm ăn của bệnh nhân và làm giảm hiệu quả chứng đầy bụng, chậm tiêu.
Một số bài thuốc cổ truyền sử dụng Trần bì
Bài 1: chữa rối loạn tiêu hóa do ăn uống hoặc chứng không tiêu
Sử dụng 10 gram trần bì, 10 gram sinh khương, 3 quả đại táo, 10 gram hậu phác, 4 gram cam thảo và 6 gram thảo quả nướng. Sắc thuốc và uống. Sử dụng liên tục 5 ngày giúp cải thiện triệu chứng khó chịu ở bụng.
Bài 2: Điều trị đầy bụng, khó tiêu
Lấy vài miếng trần bì đem xé nhỏ rồi đem rửa qua nước ấm. Sau đó cho vào cốc nước sôi rồi hãm từ 10 – 15 phút và uống. Tuy nhiên chỉ nên uống khi nước thuốc còn nóng và bỏ phần bã. Uống liên tục vài ngày cho đến khi triệu chứng bệnh giảm dần.
Bài 3: Trị viêm phế quản nhẹ, bệnh ho viêm họng
Sử dụng 6 gram trần bì, 4 gram cam thảo và 6 gram tô diệp, sắc thuốc và uống trong ngày.
Bài 4: Trị viêm loét dạ dày – tá tràng
– Cách 1: Lấy 20 gram trần bì sắc chung với 15 gram hương phụ sao giấm. Sau đó lọc lấy nước thuốc và cho vào khi với 100 gram thịt gà. Sau khi nước cạn, thêm gừng và gia vị, nêm nếm vừa ăn thì tắt bếp.
– Cách 2: Sử dụng 15 – 20 gram trần bì, sắc và lọc lấy nước thuốc. Dùng nước thuốc nấu cháo với 150 gram gạo tẻ. Tùy khẩu vị từng người mà nêm nếm đường, muối vừa phải. Cháo dùng cho đối tượng bệnh bị trướng bụng, viêm loét dạ dày – tá tràng, buồn nôn hoặc đau vùng thượng vị.
Bài 5: Chữa kém ăn, suy nhược cơ thể
Chuẩn bị 3 gram trần bì, 3 gram hồ tiêu và 1 con gà trống 1 kg đã được làm sạch, chặt miếng nhỏ. Cho gà và các vị thuốc vào nồi, thêm gia vị và hầm trên ngọn lửa nhỏ. Sau khi gà chín nhừ, người bệnh chia ra ăn 2 – 3 lần trong ngày. Ăn liên tục 2 – 3 lần sẽ giúp điều trị suy nhược cơ thể.
Bài 6: Điều trị ho có đờm do cảm hàn
Dùng 6 gram trần bì sắc chung với 12 gram bạch linh, 4 gram cam thảo, 6 gram bán hạ và 2 lát gừng tươi. Mỗi ngày uống 1 thang, uống đến khi triệu chứng bệnh thuyên giảm thì dừng.
Bài 7: Chữa ho mất tiếng
Sử dụng 12 gram trần bì sắc với 200 ml nước. Khi thuốc cạn còn 100 ml, tắt bếp, lọc lấy thuốc và chia ra uống nhiều lần trong ngày.
Trần bì là vị thuốc thiên nhiên thường dùng phổ biến trong Đông y. Tuy nhiên, trước khi sử dụng, bệnh nhân nên tham khảo bác sĩ về liều, cách dùng cũng như thời gian uống, tránh trường hợp tự ý gia giảm liều lượng gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam, tập 2, trang 555-561.
[2]. Slimen Selmi, et al. (2017), “Protective effects of orange (Citrus sinensis L.) peel aqueous extract and hesperidin on oxidative stress and peptic ulcer induced by alcohol in rat“, Lipids in Health and Disease. 16.
[3]. Xin Yu, et al. (2018), “Citri Reticulatae Pericarpium (Chenpi): Botany, ethnopharmacology, phytochemistry, and pharmacology of a frequently used traditional Chinese medicine“, Journal of Ethnopharmacology. 220, pp. 265-282.
[4]. Hung- Chieh Lan, et al, Citrus reticulata peel improves patient tolerance of low-volume polyethylene glycol for colonoscopy preparation, Journal of the Chinese Medical Association 75 (2012) 442e448