Từ xa xưa ông cha ta đã sử dụng Gừng làm gia vị không thể thiếu được trong nhiều món ăn giúp làm tăng tính ấm. Theo y học cổ truyền, Gừng khô (can khương) và Gừng tươi (sinh khương) được sử dụng là một vị dược liệu có tác dụng ông trung trừ hàn. Hiện nay, các nghiên cứu hiện đại còn chỉ ra Gừng có tác dụng trong điều trị trào ngược dạ dày thực quản, chúng ta cùng tìm hiểu thêm về dược liệu này.
- Tên khoa học của cây: Zingiber officinale Rose
- Tên khác: Sinh khương (gừng sống) – Can khương (gừng khô), Cây khinh (Thái)
Gừng thuộc loại cây thảo, sống lâu năm, cao 0,5 – 1m, thân rễ phát triển thành củ, phân nhánh. Lá mọc cách, không cuống, phiến lá hình mác to, mặt lá nhẵn bóng. Hoa mọc thành bông từ gốc, có cuống dài, màu vàng xanh. Cây được trồng khắp nơi để làm gia vị và làm thuốc.
Tác dụng của Can khương trong Đông y
- Bộ phận dùng: Thân rễ
- Tính vị, quy kinh: Vị cay, tính nhiệt. Quy kinh: Tâm, phế, tỳ, vị
- Công năng: Ấm trung tiêu, ấm phổi, hồi dương, trừ hàn, tiêu đàm.
- Chủ trị: Tỳ vị hư hàn, ho do phế hàn.
- Thành phần hóa học chính: 2 – 3% là tinh dầu với thành phần chủ yếu là các hợp chất hydrocarbon sesquiterpenic: b-zingiberen (35%), b-curcumenen (17%), b-farnesen (10%) và một lượng nhỏ các hợp chất alcol monoterpenic như: geraniol, linalol, borneol. Nhựa dầu chứa 20 – 25% tinh dầu và 20 – 30% các chất cay. Thành phần chủ yếu của nhóm chất cay là zingeron, shogaol và zingerol, trong đó gingerol chiếm tỉ lệ cao nhất. Ngoài ra, trong tinh dầu gừng còn chứa a-camphen, b-phelandren, eucalyptol và các gingerol.
Tác dụng của Can khương theo y học hiện đại
1. Tác dụng chống viêm
Chiết xuất Gừng ức chế phản ứng sưng tấy do carrageenan gây ra tương tự như aspirin .Gừng và các thành phần của nó là chất ức chế kép của chuyển hóa axit arachiodonic; nghĩa là, chúng ức chế cả hai cyclooxygenase (prostaglandin synthetase) và các enzym lipoxygenase của prostaglandin.
2.Tác dụng trên tim mạch
Gừng có tác dụng làm tăng co bóp trên tim chuột lang cô lập tâm nhĩ trái. Thành phần xác định có tác dụng là Gingerols.
3. Tác dụng chống oxy hóa
Theo một số nghiên cứu, chiết xuất từ gừng có hoạt tính chống oxy hóa rõ rệt có thể so sánh với chất bảo quản chống oxy hóa.
4. Tác dụng chống loét
Gừng tươi sắc với nước giúp cải thiện triệu chứng ở bệnh nhân bị đau do viêm loét dạ dày.
5. Tác dụng chống nôn
Gừng khô có tác dụng chống nôn và đã được thử nghiệm trên một số loại động vật.
Ngoài ra, theo đông y Gừng là 1 dược liệu được dùng ôn trung, làm ấm chân tay, kích thích tiêu hóa. Được sử dụng trong dân gian từ rất lâu đời, làm gia vị cho nhiều món ăn, làm ấm chân tay bằng cách xoa bóp bên ngoài.
Một số bài thuốc cổ truyền sử dụng Can khương
- Hỗ trợ người ăn uống kém: dùng Can khương tán bột trộn với mạch nha đem đun nóng cho tan chảy sau đó để nguội viên thành hạt nhỏ uống khi đói. Ngày sử dụng 30 viên sẽ cải thiện được thể trạng yếu đuối do bị thương, khó tiêu…
- Trúng hàn lạnh bụng, ngấm vào cơ thể gây ỉa chảy, đi ngoài nhiều lần: dùng can khương tán bột ăn với cháo lần 2 chỉ.
- Hàn kỵ ra màu xanh: dùng Can khương sắt lớn, mỗi lần uống 6-7 bát với nước cơm ngày 3 lần, đêm 1 lần.
- Sản hậu ra máu dơ ra không cầm được, huyết hư nhiều dùng Bạch thược, Đương quy, Ngưu tất cùng Can khương sắc uống.
- Trị ỉa chảy do cảm hàn: dùng Can khương 1 lượng đâm nát sao vàng cho nóng ấm đem đắp trên bụng ở vị trí dưới rốn, dùng vải quấn lại chừng 1-2 giờ là tháo ra thay mới.
- Trị nôn mửa do hàn ẩm: Bán hạ 9g, Can khương 6g, tán bột, mỗi lần uống 3-6g với nước nóng.
- Trị nôn ra máu không cầm thuộc hư hàn: Can khương đem đốt cháy cùng Cam thảo đều 6g, sắc uống với nước tiểu trẻ con.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
[1]. Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam, tập 2, trang 876-882.
[2]. Mohammad Sharrif Moghaddasi1, A Review on Zingiber officinale