Chỉ thực là quả non phơi khô của một số cây thuộc họ cam. Chúng có nhiều công dụng khác nhau, tùy thuộc các thầy thuốc vùng miền mà cách điều trị khác nhau. Đặc biệt, chỉ thực còn có tác dụng mạnh mẽ trong việc hỗ trợ điều trị bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản.
Chỉ thực là gì?
Chỉ thực là quả non phơi khô của một số cây thuộc họ cam. Trong dân gian, chỉ thực được dùng là trái non của một số cây như trấp,chấp, kim quất, khổ chanh…
Tên khoa học là: Citrus trifoliata L, Citrus sinensis L, Citrus aurantium L.
Họ khoa học: thuộc họ Cam (Rutaceae).
Tác dụng theo đông y
Chỉ thực là vị dược liệu được sử dụng phổ biến tại Hàn Quốc để điều trị các chứng rối loạn chức năng tiêu hóa, trong đó có trào ngược dạ dày thực quản.
Chỉ thực có mùi thơm mát, vị đắng hơi chua.
Công dụng và cách dùng: phá khí, tiêu tích, hóa đờm, trừ bĩ (báng ở bụng). Chỉ thực, chỉ xác tác dụng giống nhau nhưng chỉ xác yếu hơn. (Chỉ thực là quả non sấy khô còn chỉ xác là quả già nhưng chưa chín sấy khô)
Thành phần hóa học chính: tinh dầu, hesperidin, pectin, alkaloid, saponin, glycoside.
Tác dụng của chỉ thực theo y học hiện đại
1. Tăng cường nhu động đường tiêu hóa và tăng trương lực cơ thắt thực quản dưới
Hiện nay, các nghiên cứu theo y học hiện đại đã chứng minh vai trò của cơ thắt thực quản dưới trong bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Cơ thắt thực quản dưới (LES) nối giữa thực quản và dạ dày, có chức năng chống trào ngược thức ăn trong dạ dày lên thực quản. Khi trương lực cơ thắt thực quản dưới giảm sẽ khiến cơ thắt này giãn ra, dẫn đến trào ngược.
Theo nghiên cứu của Won-Sik Shim đăng trên Tạp chí khoa học Ethnopharmacology, dịch chiết Chỉ thực (Citrus trifoliata L) có tác dụng “prokinetic” – Tăng cường trương lực cơ thắt dưới thực quản và tăng nhu động đường tiêu hóa, bởi vậy có thể cải thiện trào ngược hiệu quả.
Trong tây y, một loại thuốc phổ biến có tác dụng tương tự chỉ thực là Cisaprid – hiện đang được sử dụng để điều trị trào ngược dạ dày. Theo Dược thư Quốc gia Việt Nam, Cisaprid có tác dụng tăng nhu động thực quản, trương lực cơ thắt thực quản và nhu động dạ dày, ruột; được chỉ định cho chứng ợ nóng về đêm, viêm thực quản do trào ngược dạ dày – thực quản, điều trị duy trì viêm thực quản do trào ngược dạ dày.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, dịch chiết chỉ thực tác dụng tương tự Cisaprid do cùng kích hoạt 5-HT4R. Tuy nhiên, trong khi sử dụng Cisaprid có thể gây một số tác dụng phụ nguy hiểm làm rối loạn hoạt động của tim thì dịch chiết chỉ thực dường như không gây ra hiện tượng này.
2. Tác dụng chống oxy hoá và ung thư
Hợp chất Coumarins, như poncimarin và isoimperatorin trong chỉ thực có khả năng ngăn chặn oxy hóa tế bào và tạo ra tác dụng chống ung thư đối với các tế bào ung thư. Kết hợp chiết xuất chỉ xác và chỉ thực tạo nên tác dụng chống ung thư nổi bật thông qua hoạt động chống oxy hóa.
3. Các tác dụng khác
Nhiều nghiên cứu cho thấy dịch chiết chỉ thực có thể làm giảm cholesterol và glucose trong máu, từ đó có tiềm năng trong hỗ trợ điều trị tiểu đường và mỡ máu.
Hoạt chất hesparidin, hoạt chất chính trong chỉ thực được công nhận có nhiều tác dụng tốt trong việc cải thiện tình trạng suy giãn tĩnh mạch và trĩ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam, tập 1, trang 432-434.
Won-Sik Shim , et al, An aqueous extract of Poncirus fructus activates the prokinetic activity of 5-HT receptor subtype 4 without hERG interaction, Journal of Ethnopharmacology 132 (2010) 328–333.
Yongwoo Jang, Phytotherapeutic effects of the fruits of Poncirus trifoliata (L.) Raf. on cancer, inflammation, and digestive dysfunction, Phytother Res, 2018 Apr;32(4):616-624.
Mia Kim, The Effects of Poncirus fructus on Insulin Resistance and the Macrophage-Mediated Inflammatory Response in High Fat Diet-Induced Obese Mice, Int J Mol Sci, 2019 Jun 12;20(12):2858
https://www.webmd.com/vitamins/ai/ingredientmono-1033/hesperidin