Dược sĩ Dung Lê 16/07/2020

ANVY đang tích cực chuẩn bị cho kế hoạch phát triển vùng dược liệu đầu tiên của mình ở phía Nam. Sài hồ Bắc được chọn là loại cây dược liệu đầu tiên xuất hiện ở vùng dược liệu mới của ANVY.

Theo kế hoạch, tháng 3.2018, ANVY sẽ di thực cây Sài hồ Bắc từ vùng Cam Túc (Trung Quốc) trồng thử nghiệm ở Lâm Đồng và Đắk Nông.  

Mặc dù có độ cao so với mực nước biển khá tương đồng với vùng Hồ Nam nhưng điều kiện khí hậu ở Lâm Đồng và Đắk Nông lại có những khác biệt nhất định. Vào mùa mưa, khí hậu ở Lâm Đồng và Đắk Nông khá giống với vùng Hồ Nam tuy nhiên, vào mùa khô, lượng mưa ở Lâm Đồng và Đắk Nông có sự chênh lệch đáng kể so với thời điểm tương ứng ở Cam Túc.

Cây Sài hồ bắc được trồng nhiều tại tỉnh Cam Túc (Trung Quốc).

“Cây Sài hồ Bắc lại là loại cây trồng ưa khí hậu ẩm mát nên nếu muốn thành công, cần phải có phương án để chủ động nguồn nước tưới nước cho cây”, chị Nguyễn Thị Phương Thảo – Trưởng phòng nghiên cứu, Công ty CP ANVY đánh giá.

Được biết, năm 1994, Viện Dược liệu cũng đã từng nhập hạt giống Sài hồ Bắc từ Nhật Bản về trồng thử nghiệm tại Trại thuốc Sa Pa và Tam Đảo. Dù đều đã thể hiện khả năng thích nghi và sinh trưởng nhất định nhưng chỉ có cây Sài hồ Bắc ở Sa Pa đã cho thu hoạch hạt giống và dược liệu. Tuy nhiên sau đó, vì nhiều lý do khác nhau, kế hoạch phát triển cây Sài hồ Bắc của Viện Dược liệu đã không thể triển khai được trên diện rộng.

Giống như Chỉ thực, Chỉ xác, Sài hồ đang được các cơ sở bào chế thuốc Đông dược đang sử dụng một cách khá “linh hoạt”. Ngoài Sài hồ Bắc, rất nhiều cơ sở bào chế thuốc Đông dược còn có thể sử dụng Sài hồ Nam để thay thế.

“Sài hồ là rễ cây Bắc Sài hồ (Bupleurum chinesnis DC). Ở Việt Nam, Sài hồ Nam là rễ cây Lức (Hải sài) (Pluchea pteropoda Hemsl.), hay cành và rễ cây Cúc tần (Pluchea indica Less.). Cần chú ý khi sử dụng”, TS Nguyễn Đức Quang khẳng định trên báo Sức khỏe & Đời sống.

“Song song với việc phát triển vùng trồng cây Trấp để làm Chỉ thực, Chỉ xác, việc di thực cây Sài hồ Bắc về trồng ở Lâm Đồng và Đắk Nông nằm trong nỗ lực kiểm soát và chuẩn hóa dược liệu đầu vào để bào chế các sản phẩm thương mại của ANVY”, ông Tô Hồng Thái, Chủ tịch HĐQT ANVY cho biết.

Tác dụng dược lý của Sài hồ

Theo dược lý cổ truyền, Sài hồ có tác dụng: hóa giải thoái nhiệt, sơ can chỉ thống, thăng dưỡng khí triệt ngược tà (trị sốt rét).

Theo kết quả các thực nghiệm lâm sàng, Sài hồ có tác dụng:

Giải nhiệt, an thần, kháng khuẩn (ức chế sự tăng trưởng của vi khuẩn lao), kháng virus (ức chế mạnh virus cúm và ức chế virus bại liệt).

Theo kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

Tác dụng hạ nhiệt, an thần, giảm đau, giảm ho rõ rệt.

Tác dụng như corticoid kháng viêm.

Bảo vệ gan và lợi mật.

Hạ mỡ trong máu.

Tác dụng tăng cường thể dịch miễn dịch và miễn dịch tế bào. Tăng khả năng tổng hợp protein.

Nước sắc Sài hồ có tác dụng ức chế mạnh liên cầu khuẩn tan huyết, phẩy khuẩn thổ tả, trực khuẩn lao, leptospira, virus cúm. Thuốc còn có tác dụng kháng virus viêm gan, virus viêm tủy tuýp I, vi trùng sốt rét.

Đăng ký tư vấn
Đăng ký
Chuyên mục: Tin tức
Share
Dược sĩ Dung Lê

Đại học Dược Hà Nội
Kinh nghiệm 5 năm trong lĩnh vực tư vấn bệnh lí đường tiêu hóa, sở hữu kiến thức chuyên sâu từ các chuyên gia đầu...